Thị Trường Gạo Thế Giới Năm 2023
(BKTO) - Năm 2023, thị trường gạo toàn cầu chứng kiến sự biến động mạnh do lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Thêm vào đó, tình trạng biến đổi khí hậu, nhất là hiện tượng thời tiết El Nino diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng tới các nước sản xuất gạo chủ chốt. Giá gạo thế giới tăng cao và nguồn cung hạn hẹp trở thành mối nguy mới đối với an ninh lương thực toàn cầu.
Lạm phát lương thực vẫn dai dẳng ở châu Á
Lạm phát đã bắt đầu có dấu hiệu chậm lại ở một số nước châu Á, nhưng vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Vào tháng 11/2023, lạm phát tại Philippines đạt 4,1%, so với mức 3,1% ở Mỹ và 2,4% ở Khu vực đồng euro (Eurozone). Gần một phần ba mức tăng này là do giá gạo tăng. Giá lúa mỳ và ngô đã tăng vọt trên toàn cầu vào năm 2022 sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, nơi được coi là vựa lúa mỳ của châu Âu. Trong khi lạm phát lương thực ảnh hưởng nặng nề đến Mỹ và châu Âu, thì tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine lại tương đối hạn chế ở châu Á.Nhưng từ đầu năm đến nay, "trung tâm" của lạm phát lương thực đã chuyển sang châu Á, nơi chiếm khoảng 80% nhu cầu gạo toàn cầu. Trong khi giá lúa mỳ quốc tế đã bắt đầu giảm, thì giá gạo lại tăng lên mức cao nhất trong vòng 15 năm vào cuối tháng 12/2023, tăng khoảng 40% so với hồi tháng 1/2023. Thế giới dường như đang sắp rơi vào một vòng xoáy tiêu cực, trong đó những lo ngại về an ninh lương thực và thời tiết bất thường khiến các nước sản xuất ngũ cốc phải tích trữ, càng làm trầm trọng mối lo về nguy cơ nguồn cung bị thiếu hụt. Nhà kinh tế hàng đầu phụ trách khu vực châu Á tại HSBC, Frederic Neumann cho biết, ký ức về cuộc khủng hoảng giá thực phẩm ở châu Á trong năm 2008 vẫn còn in sâu. Giá thực phẩm tăng vọt trên toàn thế giới cách đây 15 năm do dòng tiền đầu cơ đổ vào thị trường. Theo Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI), giá của nhiều loại thực phẩm đang biến động mạnh, xảy ra ở 7 trong 8 loại cây trồng chủ lực trong năm 2023.Lạm phát lương thực đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân ở Nam Á và Đông Nam Á, nơi thực phẩm chiếm 30% đến 50% tổng chi tiêu hộ gia đình, so với khoảng 10-20% ở các nền kinh tế đã phát triển. Giá lương thực cao hơn cũng ảnh hưởng đến chính sách của chính phủ. Để đối phó với lạm phát gia tăng, Ngân hàng trung ương Philippines đã nâng lãi suất chủ chốt thêm 25 điểm cơ bản (0,25%) lên 6,5%/năm tại cuộc họp khẩn cấp hồi cuối tháng 10/2023.Có nhiều đồn đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), vốn đi đầu trong việc thắt chặt tiền tệ toàn cầu, sẽ chuyển sang chính sách nới lỏng vào năm 2024, làm dấy lên kỳ vọng rằng nền kinh tế Mỹ có thể hạ cánh mềm. Tuy nhiên, nhiều nước châu Á chưa thoát khỏi khó khăn với lạm phát lương thực vẫn đang âm ỉ, khiến các nhà hoạch định chính sách trong khu vực tiếp tục phải đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là cân bằng giữa kiểm soát giá cả và tăng trưởng kinh tế.
Theo báo cáo mới nhất về “Triển vọng Hàng hóa Toàn cầu” của Ngân hàng Thế giới (WB), giá gạo toàn cầu dự kiến sẽ không giảm đáng kể trước năm 2025, do các biện pháp hạn chế xuất khẩu từ các nước sản xuất lớn và mối đe dọa từ hiện tượng EI Nino.Giá gạo toàn cầu năm 2023 ước tăng trung bình hơn 28% so với năm 2022, và dự kiến sẽ tăng thêm 6% vào năm 2024. Nguyên nhân là do hiện tượng El Nino, phản ứng với chính sách từ các nhà xuất khẩu và nhập khẩu quan trọng...Theo một nghiên cứu của Trung Quốc, lúa là loại cây trồng dễ bị tổn thương nhất và có khả năng mất mùa cao nhất trong thời gian xảy ra hiện tượng El Nino. Trung Quốc đang trải qua đợt hạn hán có thể là khốc liệt nhất trong hai thập kỷ ở nhiều vùng trồng lúa. Ngoài các thách thức nói trên, gạo cũng thiếu hụt vì nhu cầu tăng cao, trong bối cảnh trở thành nguồn thay thế hấp dẫn cho các loại ngũ cốc bị thiếu hụt và tăng giá mạnh do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine.Theo hãng tin Bloomberg, giới phân tích thị trường và một số thương nhân dự báo sản lượng gạo trái vụ từ hai quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là Ấn Độ và Thái Lan sẽ giảm trong quý I/2024 do thời tiết khô hạn và mực nước tại các hồ chứa xuống thấp. Trong khi nông dân trồng lúa tại nước nhập khẩu gạo hàng đầu là Indonesia vẫn đang chống chọi với hạn hán.Để đảm bảo nguồn dự trữ gạo của đất nước, Chính phủ Indonesia đã chỉ đạo Cơ quan Hậu cần Nhà nước (Bulog) nhập khẩu thêm 2 triệu tấn gạo vào năm 2024. Theo Chủ tịch kiêm Giám đốc Bulog, ông Budi Waseso, chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất lúa gạo địa phương cũng như điều kiện thời tiết. Nếu dự báo sản lượng lúa gạo bị thiếu Bulog sẽ cung cấp đủ để bù đắp sự thiếu hụt.
Copyright © 2024 Thitruonghanghoa.com - Kết nối thông tin
Gạo ST25 – thương hiệu Gạo Ông Cua của Việt Nam đã vượt qua gạo Campuchia và Ấn Độ để đoạt giải nhất Cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm 2023
Cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới trong khuôn khổ Hội nghị thương mại lúa gạo toàn cầu do The Rice Trader tổ chức tại Philippines vừa công bố kết quả trưa 30-11.
Cuộc thi năm nay có sự tham gia của hơn 10 quốc gia với 30 mẫu gạo được gửi dự thi. Theo đó, mẫu gạo Việt Nam (Gạo Ông Cua ST25) đã đoạt giải nhất, giải nhì thuộc về gạo Campuchia và giải 3 thuộc về gạo Ấn Độ.
ST25 là giống lúa thuộc dòng lúa thơm đặc sản Sóc Trăng ST do nhóm kỹ sư Hồ Quang Cua, Tiến sỹ Trần Tấn Phương và Thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Hương nghiên cứu lai tạo. Giống lúa thơm này được khởi nguồn nghiên cứu từ cách đây 10 năm. Năm 2014, được đưa vào khảo nghiệm và đến năm 2016 bắt đầu trồng thử. Đây là giống lúa ngắn ngày, có tính kháng bệnh hơn hẳn một số giống lúa cổ truyền, cho sản lượng đạt tới 7 tấn/ha.
Ngoài là giống lúa đặc sản, ST25 còn được coi là giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long. Sinh trưởng tốt tại vùng đất mặn, phèn. Đặc biệt ST25 rất thích hợp cho vùng xen canh lúa-tôm.
Gạo ST25 có đặc tính phẩm chất gạo rất trắng, cơm trắng và rất tự nhiên, được người tiêu dùng ưa chuộng. So với các giống lúa thơm nổi tiếng của Thái Lan hay Campuchia, ST25 còn có ưu thế về mùa vụ khi có thể canh tác 2-3 vụ/năm với năng suất và chất lượng ổn định. Đồng thời, vì đặc tính thân cứng cáp, chống bệnh dịch tốt nên cũng rất phù hợp để trồng tại các vùng luân canh lúa tôm – mô hình trồng 1 vụ lúa, 1 mùa tôm/năm theo phương pháp hữu cơ hoặc cận hữu cơ.
Những thành tựu gạo ST25 đã đạt được
Năm 2019, gạo ST25 được trao giải gạo ngon nhất thế giới sau khi vượt qua các loại gạo của Thái Lan, Campuchia tại cuộc thi World’s Best Rice, do The Rice Trader tổ chức. Đây cũng là lần đầu tiên một loại gạo của Việt Nam được nhận giải cao nhất của cuộc thi này sau 11 lần tổ chức.
Đến năm 2020, Việt Nam tiếp tục đưa gạo ST25 đi thi World’s Best Rice tại Mỹ, chỉ có ST25 đoạt giải nhì. Giải nhất thuộc về gạo Hom Mali của Thái Lan.
Tại Cuộc thi Gạo ngon thế giới năm 2022, ông Hồ Quang Cua “cha đẻ” gạo ST25 được Ban tổ chức vinh danh nhận giải Thành tựu cống hiến trọn đời của ban tổ chức vì những đóng góp to lớn cho ngành lúa gạo Việt Nam và lúa gạo thế giới.
Giải Thành tựu cống hiến trọn đời cộng đồng gạo thế giới TRT (TRT World Rice Community – Lifetime Achievement Award) được chọn trao cho người có tầm ảnh hưởng lớn đối với ngành gạo quốc gia, khu vực hoặc thế giới, đối tượng được chọn vinh danh thuộc ba lĩnh vực chính gồm: Nghiên cứu, sản xuất hoặc về thương mại gạo.